Bí quyết cực đơn giản giúp con 11 tháng ăn ngon lành trong mọi bữa ăn
Kho thực đơn ăn dặm đa dạng và phong phú mà bé đã có một thói quen ăn uống cực tốt cho đến thời điểm hiện tại con đã 11 tháng tuổi.
Chán ăn là điều mà bất kì người mẹ nào cũng lo sợ khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm. Đó cũng chính là lý do mà cho dù công việc có bận rộn, chị Phạm Yến Oanh (29 tuổi, ở Tây Ninh) vẫn cố gắng để chăm chút từng bữa ăn cho con. Chị liên tục thay đổi thực đơn ăn dặm cho bé mỗi ngày, mỗi bữa để hạn chế tối đa việc con chán ăn. Cũng nhờ vậy mà con trai chị – bé Bắp dù đã 11 tháng tuổi nhưng bé vẫn có được thói quen ăn uống rất tốt. Bé ăn rất ngoan, đa số các bữa ăn đều hết hoặc nếu thừa thì chỉ thừa một ít.
Khác với một số bà mẹ, chị Oanh lựa chọn cho bé phương pháp ăn dặm 3 trong 1, đó là kết hợp ăn dặm kiểu Nhật (ăn vào bữa trưa và tối), ăn dặm truyền thống (bữa sáng) và ăn dặm bé chỉ huy BLW (bữa phụ). Theo chị, mỗi phương pháp ăn dặm sẽ mang lại cho con những lợi ích khác nhau, bé có thể ăn uống đa dạng mà lại luyện tập được những kỹ năng cần thiết khi tự sử dụng đôi tay để bốc thức ăn và một tâm trạng háo hức khi nhìn thấy những món ăn được mẹ chuẩn bị và bày biện.
Đa phần các món ăn chị Oanh chế biến thường mất khoảng 20 – 30 phút, chỉ có một số món cầu kỳ thì mới mất 45 phút. Hiện tại, bé Bắp được mẹ cho ăn 3 bữa chính và 1 bữa phụ. Váng sữa, sữa chua, bánh, trái cây hoặc chè mẹ tự làm được sử dụng làm các món ăn phụ cho bé. Ở giai đoạn này, bé vẫn bú sữa mẹ hoàn toàn.
Chị Oanh chia sẻ nguyên tắc nấu đồ ăn cho con trai: “Nguyên tắc của mình là không cho gia vị gì vào thức ăn của con. Bởi trong thịt, cá, rau củ đã có một lượng muối đủ cho bé dùng rồi. Khi nấu xong, mình nếm thử cũng thấy có vị ngọt nhẹ của rau củ thịt cá tiết ra. Vì vậy, sau 1 tuổi, mình mới thêm gia vị vào đồ ăn của con để đảm bảo cho con một nền tảng sức khỏe tốt nhất. Trộm vía bé nhà mình rất thích ăn uống, nên lên cân rất đều. So với tháng trước, bé tăng hơn 1kg, nay ẵm đã thấy mỏi tay và đồ cũng chật đi nhiều rồi đây”.
Khi cho con ăn chị cũng áp dụng nguyên tắc là khi ăn thì bé sẽ ngồi vào ghế, tuyệt đối không có ăn rong. Con cũng không được xem ti vi, đồ chơi trong khi ăn. Để giúp con có được một nề nếp trong ăn uống, chị cũng yêu cầu mọi người trong nhà hợp tác, nhất là không được đùa giỡn và nói chuyện với bé trong khi bé ăn. Chị cho bé ăn theo nhu cầu, hoàn toàn không áp đặt con trong việc ăn uống, con ăn ít hay ăn nhiều tùy con, chỉ cần bữa đó con có ăn là được.
Cũng chính quan điểm và suy nghĩ của chị Oanh cho rằng nguồn dinh dưỡng chính của bé dưới 1 tháng tuổi vẫn là sữa mẹ, nên chị không bao giờ đặt nặng vấn đề bé ăn được bao nhiêu trong bữa ăn. Một bữa ăn nếu con không ăn, thì con vẫn bú mẹ hoặc ăn bữa phụ, các bữa sau bù vào. Chị vẫn thoải mái với con cho dù con ăn ít hay ăn nhiều đi nữa. Đến thời điểm hiện tại, bé Bắp nhà chị vẫn chưa bỏ một bữa ăn nào.
Chị còn chia sẻ thêm, có những lần bé đi tiêm hoặc mọc răng rất khó chịu, song bé vẫn ăn uống bình thường, đây là động lực để chị chế biến các món ăn đa dạng và phong phú cho bé, các món ăn vẫn đảm bảo được nguồn dưỡng chất con cần. Chị còn cho biết, đứa trẻ nào cũng có giai đoạn biếng ăn, song mẹ hãy cùng con vui vẻ đi qua một cách nhẹ nhàng, đừng quá áp lực và lo lắng, thời gian này sẽ không kéo dài. Nếu có thời gian, mẹ nên lên thực đơn và chế biến đồ ăn cho con, đây sẽ là niềm vui mỗi ngày cho các mẹ.
Là mẹ là cả một hành trình dài gian nan và vất vả, song trong suốt cuộc hành trình đó vẫn có những tiếng cười, niềm vui để giúp mẹ có thêm động lực để cùng con khám phá thế giới và phát triển.
Ăn dặm là một “quãng đường” trong cuộc hành trình làm mẹ, cho bé ăn dặm sao cho hiệu quả, vui vẻ là điều không hề đơn giản với bất kì người làm mẹ nào. Chính vì vậy, việc giúp bé có được sự hứng thú trong các bữa ăn là điều cần thiết. Việc tự tay nấu và chế biến đồ ăn cho bé với các món ăn đa dạng, phong phú sẽ giúp bé yêu ăn dặm ngon miệng hơn rất nhiều.
Mong rằng, những chia sẻ ở trên đã giúp các mẹ có được một kế hoạch ăn dặm cho bé hiệu quả, đơn giản và vui vẻ.