Cho con ăn dặm và những sai lầm “to đùng” mẹ hay mắc phải
Kiến thức và những thông tin chia sẻ về việc cho con ăn dặm có rất nhiều. Khi mà hiện nay có rất nhiều phương pháp ăn dặm được chia sẻ, nhiều mẹ không thể đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp nào để áp dụng cho bé.
Không ít các mẹ, khi cho con ăn dặm vẫn mắc phải những sai lầm “to đùng” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của bé sau này. Một số sai lầm điển hình nhất gồm:
Phụ thuộc quá nhiều vào việc xay nhuyễn thức ăn
Đa số các hướng dẫn cho bé ăn dặm đều nhấn mạnh đến việc giới thiệu các thực phẩm rắn cho bé ngay khi bé bắt đầu ăn dặm. 6 tháng là thời điểm mà các bộ phận trên cơ thể của bé đã bắt đầu hoàn thiện các chức năng, bé có thể cầm nắm được thức ăn. Bạn vẫn có thể cho bé thử những loại thức ăn được xay nhuyễn, nhưng vẫn phải giới thiệu thức ăn rắn cho bé trong quá trình ăn dặm.
Cho bé ăn bột ngũ cốc gạo
Bột ngũ cốc gạo là thực phẩm được nhiều mẹ lựa chọn khi bé bắt đầu ăn dặm, song ngũ cốc gạo đã được chế biến nên mùi vị ban đầu của gạo không còn như ban đầu và đây thực sự không phải là một lựa chọn tốt cho các bé. Sắt là một chất rất cần thiết cho bé trong giai đoạn từ 6 đến 12 tháng. Nếu như bạn muốn cung cấp những thực phẩm chứa nhiều chất sắt cho bé thì không nhất thiết phải sử dụng ngũ cốc gạo cho bé.
Cho bé ăn quá nhiều
Có lẽ các mẹ sẽ rất hào hứng nếu bé ăn được nhiều, vì vậy mà nhiều mẹ sẵn sàng cho bé ăn nhiều nếu thấy bé hào hứng với đồ ăn chuẩn bị. Song việc này không thực sự tốt cho bé, bởi đây là giai đoạn chuyển giao, giai đoạn này bé đang chuyển từ ăn lỏng sang ăn thức ăn rắn. Trẻ đang tìm hiểu về cách sử dụng lưỡi và bắt đầu cảm nhận mùi vị cũng như kết cấu của các loại thức ăn. Ở giai đoạn này bé hoàn toàn “trung thực” với nhu cầu thực tế của mình, trẻ biết khi nào mình đói và khi nào mình no. Trẻ cũng biết được thức ăn nào là phù hợp và không phù hợp. Việc bắt ép bé ăn khi bé không muốn ăn sẽ không đem lại một lợi ích tốt đẹp nào cả.
Bạn cần biết rằng, trong 6 tháng đầu đời và giai đoạn về sau, trẻ vẫn cần nguồn calo và dinh dưỡng từ sữa mẹ, sữa công thức. Giai đoạn bé tròn 6 tháng tuổi là giai đoạn giúp bé tăng cường khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp bé khám phá mùi vị của các loại thực phẩm. Bạn cũng không nên quá lo lắng về việc dung nạp thực phẩm rắn của bé.
Bỏ qua dấu hiệu dị ứng và táo bón
Dị ứng và táo bón là 2 dấu hiệu mà bé thường gặp nhất khi bước vào giai đoạn ăn dặm và đây là những dấu hiệu nguy hại,. hoàn toàn không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của bé. Song nhiều mẹ lại không để ý đến những dấu hiệu này của bé. Nếu bé có dấu hiệu dị ứng và táo bón thì bạn nên dừng việc ăn dặm lại, chờ hệ thống tiêu hóa của bé hoàn thiện các chức năng rồi mới thử lại, bởi dấu hiệu dị ứng và táo bón cho biết thức ăn tiêu hóa rất chậm.
Bạn bắt đầu lại cho bé ăn dặm với những thực phẩm dễ tiêu hóa, mà vẫn đảm bảo cung cấp cho bé các chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ tiêu hóa của bé như kẽm, vitamin A, glutamine, axit béo, vi khuẩn probiotic.
Cho bé ăn dặm quá sớm
Hệ tiêu hóa của bé bình thường có thể tiếp nhận thức ăn rắn khi bé được 4 – 6 tháng tuổi. Các nghiên cứu cũng cho thấy trước 4 tháng tuổi hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa sẵn sàng. 4 – 6 tháng tuổi là khoảng thời gian bạn nên giới thiệu thức ăn dặm cho bé, song bạn cần để ý đến những dấu hiệu xem bé đã sẵn sàng với việc ăn dặm hay chưa. Một trong những dấu hiệu đó: có thể ngồi được, thích khám phá mọi thứ xung quanh, há miệng khi đút thức ăn vào.
Nếu bé có dấu hiệu táo bón hoặc có phản ứng với các loại thực phẩm thì rất có thể bé chưa sẵn sàng với việc ăn dặm. Bạn nên chờ đến khi hệ tiêu hóa của bé phát triển và không cố gắng thử cho bé ăn dặm.
Nếu bạn bắt đầu cho bé ăn dặm quá sớm trước khi hệ tiêu hóa hoàn thiện, thì bạn sẽ làm gia tăng nguy cơ dị ứng của bé.
Những sai lầm kể trên rất nhiều mẹ đang mắc phải, các mẹ cần tránh để đảm bảo sự phát triển toàn diện và an toàn cho bé sau này cũng như trong suốt hành trình ăn dặm của bé.