Công dụng và một số lưu ý của cây rau má
Còn được gọi với tên gọi khác là tích thuyết thảo, lôi công thảo, liên tiền thảo… Tên khoa học là Centella asiatica L. Urban, tên nước ngoài là Indian pennywort, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Rau má được áp dụng trong y học Ayurveda và y học cổ truyền Trung Hoa.
Mô tả
Là cây thân bò la, có rễ ở các mấu. Rễ cây bao gồm các thân rễ, mọc thẳng, có màu trắng và được che phủ bằng các lông tơ. Lá có hình thận, màu xanh đậm, phần đỉnh lá tròn, có các gân lá kết thành dạng lưới hình chân vịt và có cuống rất dài, khoảng 5-20cm.
Hoa nhỏ, thuộc dạng lưỡng tính, có màu trắng hoặc phớt đỏ, mọc thành tán nhỏ. Mỗi hoa có 2 lá bấc bao phủ, với 5-6 thùy tràng hoa, có 5 nhị và 2 vòi nhụy. Quả hình mắt lưới dày đặc.
Cây thường được thu hái tươi để dùng hoặc nhổ cây về rửa sạch đất cát, sau đó phơi hoặc sấy khô để bảo quản và dùng dần.
Tác dụng và một số bài thuốc chữa bệnh của rau má
- Tốt cho hệ tim mạch
Hàm lượng chất xơ cao trong rau má làm giảm lượng cholesterol trong máu. Kết hợp cùng hoạt chất Bracoside A kích thích sự bài tiết nitric oxide (NO) của mô làm dãn nở vi động mạch cùng mao mạch, tăng lượng máu di chuyển qua mô nhiều hơn, hạn chế các cơn đau tim.
Thêm vào đó, những hoạt chất khác của rau má còn có tác dụng làm tăng tính đàn hồi của mạch máu và cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, ngăn ngừa các bệnh tĩnh mạch ở các chi dưới.
- Tốt cho hệ thần kinh
Hoạt chất Bracoside B trong rau má tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng cường chất trung gian chuyển hóa giúp não bộ hoạt động tích cực hơn, tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ và giảm căng thẳng. Bên cạnh đó, triterpenoids cũng làm giảm bớt sự lo lắng, các dẫn xuất của Asiticoside thì bảo vệ các tế bào thần kinh đối với bệnh Alzeheimer.
- Chống oxy hóa
Thành phần beta-caroten, flavonoids, ancaloit, vitamin C,… giúp loại bỏ gốc tư do, ngăn ngừa quá trình ung thư hóa và chống lão hóa, làm tăng tuổi thọ. Đặc biệt, trong một thí nghiệm trên chuột, dịch chiết từ rau má có khả năng làm chậm sự phát triển của khối u, chữa lành được cả khối u dạ dày của chuột.
- Chữa chảy máu cam
Dùng 1 nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn ép lấy nước uống, mỗi ngày uống 3-5 lần trong 5 ngày sẽ thấy hiệu quả.
- Trị đau bụng tiêu chảy
Lấy 10g rau má khô sao vàng, 12g bạch biển đậu, 8g hương phụ, 8g hoắc hương, 8g hạt mã đề, 3g sa nhân, 2g gừng tươi, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang, cho đến khi khỏi.
- Chữa vàng da, vàng mắt
Dùng 60g rau má và 60g lá ngải cứu rửa sạch, cho vào ấm đun sôi, lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Hoặc dùng 100g rau má tươi, 30g nhân trần, 12g chi tử, 6g vàng đẳng, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Trị mụn nhọt
Rửa sạch 60g rau má và 60g lá gấc, giã nát rồi trộn thêm một chút muối, đắp hỗn hợp lên nốt mụn và để khô, mỗi ngày thực hiện 2 lần.
- Chữa kiết lỵ
Lấy 150g rau má rửa sạch, giã nát cùng 10g muối và thêm vào 1 bát nước sôi để nguội, quấy đều và gạn lấy nước để uống. Kiêng các thức ăn khó tiêu, thức ăn cay nóng.
- Điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng
Dùng 12g rau má khô, 16g đảng sâm, 12g hà thủ ô đỏ, 12g đậu đen, 12g hoài sơn, 12g ý dĩ, 12g cam thảo dây, 12g kê huyết đằng, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Chữa viêm bàng quan cấp
Lấy 10g rau má, 20g bồ công anh, 16g mã đề, 12g râu ngô, 12g chi tử, 12g mộc thông, 12g cam thảo dây, 12g thài lài tía, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Chữa say nắng
Hái 100g rau má tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt, thêm vào một vài hạt muối, hào tan rồi uống. Hoặc lấy mỗi thứ 100g gồm rau má, lá sen tươi, cỏ nhọ nồi tươi, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt thêm chút muối, hòa tan rồi uống.
- Trị rôm sảy, mẩn ngứa
Thêm rau má tươi vào chế độ ăn hàng ngày hoặc giã nát rau má vắt lấy nước cốt để uống, đối với trẻ em có thể thêm chút đường cho dễ uống.
- Chữa ho lâu ngày, ho khan
Lấy 100g rau má tươi, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt để uống. Hoặc dùng kết hợp 40g rau má khô với 16g bạc hà, 16g cóc mằn, 12g mạch môn, 12g bách bộ và 8g cam thảo, sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục 1-2 tuần.
- Thanh nhiệt, lợi tiểu
Dùng một nắm rau má tươi rửa sạch, cho vào máy xay cùng một cốc nước sôi để nguội rồi ép lấy nước uống. Hoặc dùng rau má khô đun hoặc hãm như trà lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý
Ngoài những công dụng trên, rau má cũng có những tác dụng phụ với cơ thể như sau:
- Gây nhức đầu: Lạm dụng nước ép rau má để giải nhiệt có thể gây nhức đầu thậm chí làm mất ý thức thoáng qua.
- Làm tăng lượng đường trong máu: Uống quá nhiều nước rau má ép sẽ làm tăng lượng đường trong máu, làm giảm hiệu quả insulin vì vậy mà đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường.
- Gây sảy thai: Các chuyên gia y khoa khuyên phụ nữ mang thai nên tránh ăn rau má vì một số hợp chất trong rau có khả năng gây sảy thai, không những vậy, rau má còn làm giảm khả năng thụ thai nữa.
- Tương tác làm giảm tác dụng của thuốc: Đối với thuốc gây buồn ngủ, thuốc chống co giật, chống trầm cảm, benzodiazepine, thuốc tiểu đường… rau má có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Tiêu chảy: Do có tính hàn và giải nhiệt cao nên nếu sử dụng quá nhiều đặc biệt là những người có thân nhiệt thấp và lạnh bụng sẽ rất dễ bị tiêu chảy. Có thể khắc phục bằng cách thêm vào 1 lát gừng tươi để trung hòa tính hàn của rau má.
Ngoài ra, Học viện Y tế Hoa Kỳ và châu Âu cũng khuyên không nên sử dụng rau má quá 6 tuần mà không có sự hướng dẫn hay chỉ định từ thầy thuốc, những người mắc các bệnh về gan, phụ nữ mang thai, mắc bệnh tiểu đường cũng không dùng loại rau này.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm cách sử dụng rau má như một nguyên liệu nấu ăn trong một số món ăn tại website http://caythuocdangian.com/ như một bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời.